Miếu Đôi nằm ở làng Tiền Bạt thuộc xã Trung Tiết cũ, nay thuộc khối phố Tiền Giang, phường Thạch Quý. Hiện nay, không có tài liệu nào chứng thực Miếu Đôi được xây dựng vào thời gian nào cụ thể. Tương truyền, Miếu Đôi đã có từ lâu đời, là nơi thờ phụng Uy Minh Vương Lý Nhật Quang và Thái Úy Tô Hiến Thành thời nhà Lý, những người đã có công trong sự nghiệp đánh giặc ngoại xâm, khai khẩn đất đai, chiêu dân lập ấp, mở mang bờ cõi giang sơn đất nước vào những năm của thế kỷ XI-XII, được nhân dân nhiều nơi ở Nghệ Tĩnh tôn làm Thành Hoàng của làng. Ngoài ra, đây còn là nơi diễn ra lễ cầu mưa (lễ khai hạ) của những người nông dân trong vùng, cầu được mưa thuận gió hòa, đất đai tươi tốt, thể hiện tín ngưỡng và khát vọng của người nông dân ngày xưa trong quá trình sản xuất nông nghiệp.

          Trong thời kỳ thành lập Đảng cộng sản Đông Dương, từ năm 1930 đến tiền khởi nghĩa năm 1945 là nơi họp của các Đảng viên thuộc Chi bộ xã Trung Tiết. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Miếu Đôi bị tàn phá nặng nề bởi bom đạn, toàn bộ kiến trúc của đình phụ bị san phẳng, chỉ còn lại đình chính. Đến nay, được nhân dân và các nhà hảo tâm đóng góp công đức, cùng với sự nhiệt tình của các cụ trong Hội người cao tuổi đã tiến hành trùng tu, tôn tạo và về cơ bản giữ nguyên được những nét kiến trúc cũ ở đình chính.

          Miếu Đôi nằm cạnh dòng sông Rào Cái, sát ngã ba sông Cụt, phía trước là cây đa cổ thụ đã 700-800 tuổi. Miếu có khuôn viên 6000m2 (sáu nghìn mét vuông) với hệ thống nhà thượng điện, trung điện và các điện thờ chính của đình chính, đình phụ (đã bị chiến tranh tàn phá) là một công trình kiến trúc được lưu giữ qua bao thế hệ, trải qua hàng trăm năm tồn tại vẫn giữ được nhiều nét cổ kính và uy nghiêm. Các mảng chạm khắc, các câu đối, các vật liệu cổ, cùng các họa tiết hoa văn trang trí trên các chất liệu khác nhau được lưu giữ tại miếu là nguồn tư liệu quý giúp cho các nhà nghiên cứu về nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc ở những thế kỷ trước. Hàng năm, vào ngày rằm, mồng một, các ngày lễ tết, nhân dân trong vùng và khách thập phương thường đến thắp hương, tưởng niệm, là nơi diễn ra các hoạt động tín ngưỡng của nhân dân.                


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website