Di tích đền Kinh Thượng được xây dựng vào đời Nhà Nguyễn, niên hiệu Tự Đức năm thứ hai mươi bốn (1871), thuộc địa phận làng Kinh Thượng, xã Trung Tiết, phủ Thạch Hà xưa, nay là xã Thạch Hưng, Thành phố Hà Tĩnh. Di tích tọa lạc trên một khu đất rộng có diện tích 1257m2 nằm giữa cánh đồng, xung quanh là làng mạc, dân cư bao bọc.
Đền Kinh Thượng là một trong những ngôi đền cổ kính, đẹp và linh thiêng của vùng đất Hà Tĩnh xưa. Qua khảo sát nghiên cứu, tìm hiểu thực địa hiện trạng di tích, các thông tin từ nhân dân địa phương và các sắc phong được lưu giữ tại đền cho thấy, đền Kinh Thượng được xây dựng để thờ các vị thành hoàng làng là các nhân vật lịch sử nổi tiếng thời nhà Lý: Uy Minh Vương Lý Nhật Quang và nhà Trần: Tô Đại Liêu… những người đã có công lao to lớn trong công cuộc đánh đuổi giặc ngoại xâm, khai khẩn đất hoang, chiêu dân lập ấp, mở mang bờ cõi, giữ yên vùng biển được nhân dân thờ phụng làm thành hoàng làng.
Đền Kinh Thượng có quy mô thuộc loại lớn của vùng này và trở thành nơi hợp tự của nhiều di tích khác. Cấu trúc của đền Kinh Thượng theo thứ tự từ ngoài vào trong gồm có: Cổng đền (cổng chính, cổng phụ; hai cột trụ hai đầu tường dắc); Tắc môn; Tường dắc; Hạ điện; Miếu Cộng đồng; Thượng điện (điện nhất, điện nhì)… với các đường nét khác nhau tạo nên một quần thể kiến trúc cổ đa dạng, bề thế, hoành tráng và linh thiêng.
Đền thờ cùng các tài liệu, hiện vật gốc được lưu giữ qua bao thế hệ như 12 sắc phong của các đời vua nhà Nguyễn ( Thiệu Trị; Tự Đứ; Thành Thái; Duy Tân; Khải Định); các công trình kiến trúc, các họa tiết trang trí, điêu khắc trên chất liệu gỗ, vôi vữa vừa phóng khoáng vừa chặt chẽ trong các chủ đề và mô típ chạm trổ mà dấu vết rõ nét nhất ở di tích là các cặp rồng được tạc ở Hạ điện và Thượng điện; các mảng chạm trổ ở Cổng đền, Tắc Môm… mang dấu ấn thời nhà Nguyễn có giá trị về mặt lịch sử -văn hóa, là nguồn tư liệu quý báu giúp chúng ta nghiên cứu, đánh giá về một thời đại, một giai đoạn lịch sử mà các danh nhân đã đóng góp cho đất nước, đồng thời là nơi thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, giáo dục những thế sau luôn ghi nhớ công lao của các bậc tiền bối có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, khai hoang lập ấp, mở mang bò cõi của đất nước.