Di tích Bia Tiết Phụ được xây dựng vào năm Vĩnh Trị thứ 3 đời vua Lê Hy Tôn (1678) tại xã Đông Lỗ, huyện Thạch Hà nay thuộc khối phố Nhật Tân, phường Thạch Linh, Thành phố Hà Tĩnh. Bia Tiết Phụ ghi lại sự tích về hai người vợ của Thạch Quận công Nguyễn Văn Chất là bà Nguyễn Thị Đã và Nguyễn Thị Năng, hai chị em người Lê Xá, xã Đông Lỗ. Bà Nguyễn Thị Đã sinh năm Bính Ngọ, niên hiệu Hoằng Định thứ 7 (1606) đời vua Lê Kính Tông. Bà Nguyễn Thị Năng sinh năm Giáp Dần, niên hiệu Hoàng Định thứ 15 (1614).
Thạch Quận Công Nguyễn Văn Chất quê ở xã Đông Lỗ, là vị quan đời vua Lê Chân Tông, trong khi thân chinh đi đánh giặc Tàu Ô đã anh dũng hi sinh (năm 1648 niên hiệu Phúc Thái thứ 6) và được truy tặng Tán tị công thần đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân, Thạch Quận Công. Sau khi Thạch Quận Công mất, hai chi em bà Nguyễn Thị Đã và Nguyễn Thị Năng điều chưa có con, cả hai điều còn trẻ và xinh đẹp nhưng ở vậy nuôi người cháu họ làm con để thừa tự. Triều đình nhà Lê nghe tin cho triệu vào Kinh, ban thưởng rất hậu, phong cho hai bà là Trinh tiết quân phu nhân, cấp cho 10 mẫu ruộng, lại ban cho biển ngạch đề ba chữ Hán “Tiết Phụ Môn”.
Điều đáng chú ý là trên tấm bia đá có bài Văn bia ghi rõ ngày mồng mười tháng mười một năm Vĩnh Trị thứ 3 đời vua Lê Hy Tôn (1678) do Tiến sĩ Hồ Sĩ Dương - nhà trước tác có tầm cỡ trong nước thời bấy giờ soạn (Hồ Sĩ Dương người xã Hoàn Hậu huyện Quỳnh Lưu, đỗ tiến sĩ khoa Nhâm Thìn (1652), lại đỗ Nhị danh khoa Đông các năm Kỷ Hợi (1659), làm quan đến chức Thượng thư, tước Duệ Quận công).
Bia Tiết Phụ là một công trình kiến trúc bao gồm: cổng vào, tắc môn, ban thờ, bia đá được bao bọc bởi hàng rào xây kín xung quanh cao 1,2 m, phía trước có cửa rộng (hai cánh cửa bằng sắt). Trước cổng vào có hồ bán nguyệt trồng sen và hoa súng. Bia đá có hình trụ chữ nhật làm bằng chất liệu đá Thanh Hóa. Bia cao 1,85m mỗi mặt bia rộng 0,73m, trên diềm bia có trang trí các hoa văn hình mây lửa, bốn mặt đều khắc chữ hán. Hai mặt bia phía bắc và phía đông do bị mưa gió bào mòn nên các chữ Hán bị mờ không đọc được, hai mặt còn lại vẫn có thể đọc chữ Hán. Bênh cạnh là nhà đón tiếp được xây bằng chất liệu bê tông theo kiểu kiến trúc cổ.
Bia Tiết Phụ là một di san văn hóa hết sức quý giá, có giá trị về nhiều mặt và có lịch sử tồn tại lâu đời. Nội dung văn bia ghi lại sự tích hết sức cảm động và đáng trân trọng của hai chị em bà Nguyễn Thị Đã, Nguyễn Thị Năng về sự chung thủy và tiết hạnh. Đây là một bài học lớn về đạo đức của người phụ nữ Việt Nam. Hình thức của tấm bia sau hơn 300 vẫn còn nguyên vẹn sẽ giúp ích cho những người quan tâm đến công tác nghiên cứu về kỹ thuật chế tác đá, hình thức khắc văn bia, mỹ thuật trang trí dưới thời Lê cuối thế kỷ XVII…