Di tích đền Kinh Hạ thuộc xã Thạch Hưng, thành phố Hà Tĩnh, là một trong những ngôi đền cổ kính, đẹp và linh thiêng của vùng đất Hà Tĩnh xưa. Đền được xây dựng trên khuôn viên rộng, thoáng mát với diện tích 8.520m2.
Đền Kinh Hạ được xây dựng khép kín bởi hệ thống tường bao bốn phía có kiến trúc kiểu nội công, ngoại quốc. Hệ thống Tam quan được kiến trúc khá đồ sộ và còn giữ được nguyên bản với kiểu dáng kiến trúc thời Nguyễn bằng vật liệu như vôi vữa, gạch đá và các mảnh gốm cổ. Cổng chính cao 6.3m, cửa tầng dưới rộng 2.4m, cao 2.6m. Tắc môn được xây dựng trước sân nhà Hạ điện, cách cổng chính khoảng 2 mét, hình chữ nhật theo kiểu cuốn thư, ở giữa đắp nổi hình vuông và hình tròn tượng trưng cho trời đất. Nhà Hạ điện được kiến trúc ngang kiểu chử nhất, gồm 3 gian 2 hồi xây tường bít nóc, hai mái lợp ngói tây, đỉnh nóc đắp nổi họa tiết hình rồng chầu, hổ phù, bốn góc mái được tạo dáng 4 đầu đao vươn lên cong vút.Qua nhà Hạ điện là đến Nhà Tả vu và Hữu vu ở phía đông và phía tây có kích thước giống nhau. Nhà Thượng điện được kiến trúc kiểu 2 tầng, 4 mái đổ bê tông, đình nóc đắp nổi họa tiết lưỡng long chầu hổ phù. Bốn góc mái đắp nổi 4 đầu đao và bốn con rồng trong tư thế leo bờ mái nóc, sinh động và có hồn.
Qua khảo sát nghiên cứu, tìm hiểu thực địa hiện trạng di tích và các thông tin từ nhân dân địa phương, các hiện vật lưu dữ tại đền, cho ta biết đền Kinh Hạ được xây dựng vào thời Nguyễn và được trùng tu vào các năm 1919, 1920, 1921 và 1929 dưới đời vu Khải Định và Bảo Đại thuộc triêu Nguyễn. Đền Kinh Hạ phối thờ các vị thiên thần và nhân thần. Điện thờ chính thờ Long Vương (thủy thần) một tín ngưỡng có nguồn gốc lâu đời của cư dân nông nghiệp gắn liền với tục thờ thần nước, Hà Bá với mong muốn mưa thuận, gió hòa. Người dân làng Kinh Hạ xưa đã chọn thần rắn Long Vương làm Thành Hoàng làng. Căn cứ thần tích, ở đền Kinh Hạ thờ Tam Long Vương, với tước vị: Thượng, thượng, thượng đẳng thần vị tiền. Ngoài 3 vị Long Vương được thờ tại đền, còn có điện thờ nhân thần làm đường cảnh thành hoàng, ông người họ Trương, làm đến chức Đô chỉ huy sứ. Hiện nay tại đền Kinh Hạ còn lưu giữ lại 3 đạo sắc phong thời vua Thành Thái, Khải Định và Duy Tân cùng với bài vị.
Lễ hội đền Kinh Hạ hàng năm được tổ chức vào mùa xuân (ngày 15/1 Âm lịch) gọi là lễ khai hạ và lễ vào mua hu (ngày 15/7 Âm lịch) gọi là lễ tiết Trung Nguyên. Trong các ngày lễ hội đền Kinh Hạ nhân dân địa phương và khách thập phương hội tụ về đây cúng tế và chiêm ngưỡng cảnh đền, các lễ hội này vẫn được duy trì cho đến ngày nay.